Chiều 7/10,ủtướngKhôngđốiphótrongđợtthanhtracủbàn bệt chủ trì hội nghị chống khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU) để gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC), Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu hoàn thiện thể chế, chính sách tạo sinh kế cho người dân, thúc đẩy nuôi trồng thủy sản.
Theo Thủ tướng, người dân và các cấp phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển và khai thác, đánh bắt bền vững, hiệu quả, kết hợp với bảo vệ chủ quyền. Chống khai thác hải sản bất hợp pháp không chỉ vì thanh tra của EC mà còn vì lợi ích của người dân.
Sau ba đợt thanh tra của EC, việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp có chuyển biến. Tuy nhiên, Thủ tướng đánh giá còn nhiều kết quả chưa như mong muốn, trong đó tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài; xử phạt chưa nghiêm...
Vì vậy, ông Chính yêu cầu giải quyết dứt điểm khuyến cáo của các nước, tổ chức quốc tế và EC về tình trạng nêu trên. "Chấm dứt đánh bắt, khai thác hải sản bất hợp pháp", Thủ tướng nói.
Thời gian tới, Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao tranh thủ ủng hộ của các bên với quyết tâm gỡ thẻ vàng EC của Việt Nam. Các cơ quan phối hợp với các nước kiểm soát đánh bắt, xử lý vi phạm trên tinh thần nhân đạo, bảo vệ lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam.
Bộ Quốc phòng cùng địa phương ven biển có biện pháp mạnh, không để tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Bộ Công an truy tố các vụ môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản bất hợp pháp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đón, làm việc với đoàn thanh tra EC để sớm gỡ thẻ vàng. Bộ chuẩn bị hồ sơ khách quan, trung thực, "tận dụng mọi cơ hội chứng minh hoàn cảnh, điều kiện ngành thủy sản Việt Nam và nỗ lực của Chính phủ".
"Các địa phương phải hợp tác, thẳng thắn, trung thực, khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe, không đối phó để có kết quả tốt nhất trong đợt thanh tra của EC", Thủ tướng nhắc nhở.
Địa phương tổng rà soát toàn bộ số lượng tàu cá để nắm thực trạng về đăng ký, đăng kiểm, cấp phép, chưa lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS). Thủ tướng lưu ý xử lý tình trạng tàu cá "ba không" gồm không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép. Tàu cá hoạt động trên biển phải bật VMS. Dữ liệu tàu cá sẽ được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia.
Lực lượng kiểm ngư địa phương cần sớm thành lập để tham gia chống khai thác hải sản bất hợp pháp.
Thủ tướng đề nghị Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, doanh nghiệp không thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp. Ông cũng kêu gọi người dân "đi khai, về báo" tự giác, vì lợi ích bản thân và đất nước.
"Tránh vì lợi ích trước mắt mà quên lợi ích lâu dài, tránh vì lợi ích cá nhân mà quên lợi ích tập thể, quốc gia", Thủ tướng lưu ý.
Tháng 10/2017, EC thông báo áp dụng biện pháp cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản khai thác xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU với lý do "Việt Nam chưa kiểm soát được đội tàu dẫn đến tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài gia tăng và chưa kiểm soát được tính hợp pháp sản phẩm hải sản từ khai thác xuất khẩu sang thị trường EU".
Điều này đồng nghĩa thủy hải sản Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ bị kiểm soát 100% thay vì kiểm tra xác suất, khiến doanh nghiệp mất nhiều chi phí phát sinh.
Từ đó đến nay, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để gỡ thẻ vàng EC nhằm tạo thuận lợi cho thủy sản xuất khẩu và giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Từ tháng 9/2022, Việt Nam mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về khai thác hải sản trái phép, không khai báo và không theo quy định. Các tàu cá phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Cảnh sát biển, biên phòng, kiểm ngư, công an địa phương được giao đẩy mạnh tuần tra, xử lý vi phạm trên biển và tại cảng cá.
Sau lần thanh tra thứ ba tháng 10/2022, đoàn thanh tra của EC khuyến nghị Việt Nam thực hiện bốn nhóm vấn đề: khung pháp lý; quản lý đội tàu, theo dõi, kiểm tra kiểm soát tàu cá; truy xuất nguồn gốc; thực thi pháp luật.
Trong tháng 10, đoàn thanh tra EC sẽ sang Việt Nam lần thứ tư để xem xét gỡ thẻ vàng thủy sản.